Ví dụ như ngoài các chính sách kéo dài thời gian giảm thuế VAT,ứcmuacầnmộtcúhítiki thuế môi trường với xăng dầu thì một chính sách được kiến nghị sửa đổi rất nhiều lần là thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Trong khi đây được đánh giá là giải pháp hiệu quả trong việc tăng thu nhập cho người làm công ăn lương, chiếm hơn 70% tổng số thu của sắc thuế này và cũng là đối tượng chi dùng lớn trong xã hội.
Cùng với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đừng kêu "hết phép", lãi vay phải được kéo xuống tương xứng với việc giảm lãi suất tiết kiệm thì những doanh nghiệp còn vay được mới giảm chi phí vốn, góp phần giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Chi phí vốn quá cao, làm sao họ có thể sản xuất hàng với giá rẻ. Mà hàng hóa đắt đỏ, không chỉ khiến sức mua suy yếu mà còn khiến hàng nội chật vật cạnh tranh với hàng ngoại, cả ở sân nhà và khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Tất nhiên để công phá tường thành sức mua, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp trong việc giữ giá, giảm giá, tăng chất lượng hàng hóa; nâng cao dịch vụ hậu mãi, chăm sóc để bồi dưỡng sức mua. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá của doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, của chính quyền địa phương hay các hiệp hội ngành nghề cần đi vào thực chất thay vì hình thức, thậm chí là tận dụng để bán hàng cận date; hàng tồn kho lâu năm...
Một yếu tố vô cùng quan trọng là kiểm soát giá cả thị trường. Chúng ta nói rất nhiều đến việc tát giá theo xăng, theo lương nhưng ở chiều ngược lại, neo giá dù xăng giảm, nguyên liệu đầu vào giảm lại chưa được chú trọng. Thế mới có chuyện, heo hơi lao dốc người nuôi thua lỗ nhưng giá các thực phẩm từ heo vẫn cao. Cũng như tô bún bò, phở, hủ tiếu, bánh mì thịt... hiện đều đắt đỏ trong khi nguyên liệu đầu vào đã giảm khá mạnh trong mấy năm qua. Lên rồi không thể xuống là thực trạng được phản ánh lâu nay nhưng chưa có giải pháp để chấn chỉnh.
Ở góc độ vĩ mô, giải ngân đầu tư công là giải pháp hữu hiệu nhất để tăng tổng cầu trong nền kinh tế nhưng từ đầu năm đến nay tốc độ có chuyển biến nhưng chưa đạt kỳ vọng. Ngay TP.HCM, nơi lúc nào cũng kêu thiếu vốn, hàng loạt dự án trọng điểm nằm chờ hết năm này tới năm khác thì đã 3 quý của năm nay trôi qua, vẫn có hàng trăm dự án giải ngân 0 đồng. Điểm danh trên cả nước, rất nhiều địa phương, bộ ngành cũng ì ạch giải ngân đầu tư công... thì làm sao thúc đẩy được các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu xây dựng tăng công suất hoạt động, cung cấp hàng hóa cho các công trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Họ có lương, có thu nhập mới chi tiêu mua bán. Tiêu thụ được hàng hóa thì doanh nghiệp mới tăng sản xuất... Tổng cung kéo tổng cầu, tổng cầu thúc tổng công, tường thành sức mua mới được phá bỏ và thị trường mới nhộn nhịp, thanh khoản trở lại.
Những điều này, không phải bây giờ mới nói, cũng không phải bây giờ mới thực hiện. Nhưng chúng ta cứ làm đứt quãng, rời rạc nên không tạo thành một cú hích, không tạo thành một sức mạnh tổng lực để công phá tường thành sức mua đã được dày đắp từ những khó khăn kéo dài gần 4 năm qua. Thậm chí vì làm rời rạc còn có tác dụng ngược, chính sách vẫn thực hiện, ngân sách vẫn hụt thu hàng ngàn tỉ (giảm VAT, giảm thuế môi trường với xăng...) nhưng rơi tòm vào thị trường mà không tạo ra hiệu ứng thanh khoản như chúng ta mong muốn.
Đến thời điểm này, khó khăn vẫn còn rất lớn; giảm thu nhập và thất nghiệp vẫn là rủi ro thường trực với bất cứ ai nên tâm lý thắt lưng buộc bụng đang bóp nghẹt sức mua trên thị trường. Muốn công phá, cần một cú hích mạnh. Đó là đồng bộ các giải pháp, từ tất cả các bên liên quan.
Chỉ có như vậy mới hy vọng, quý cuối cùng của năm, tăng trưởng kinh tế sẽ lạc quan trở lại, tạo trớn cho năm sau để lấy lại những gì mà năm nay chưa thể thực hiện.