Tiểu Linh trú Trịnh Châu,ụkiệnnamsinhgiấubốmẹbánrẻnhàđểmuaxephânkhốilớsxcm tỉnh Hà Nam luôn có ước muốn có xe máy riêng. Nhưng đó không phải xe thông thường mà là chiếc mô tô phân khối lớn thật ngầu, có thể thực hiện các pha nhào lộn, biểu diễn mạo hiểm ngoài đường phố.
Chiếc xe như vậy rất đắt tiền. Cha mẹ của Linh không ủng hộ ý tưởng của con trai với lý do quá nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến việc học tập.
Sự phản đối của cha mẹ không khiến Tiểu Linh thay đổi quyết định. Đầu năm 2022, vừa tròn 18 tuổi, Tiểu Linh được bạn giới thiệu với Vương - người nhận tài sản "thế chấp" để giải quyết vấn đề tài chính khi mua xe máy. Tiểu Linh tuy mới chỉ là nam sinh trung học nhưng đã đứng tên một bất động sản có giá trị.
Linh được ông nội sang tên cho một căn hộ chung cư nằm ở trung tâm thành phố Trịnh Châu, vị trí rất tốt, được định giá hơn một triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng). Nhưng Linh không biết về giá trị này.
Ban đầu, cậu chỉ muốn thế chấp cho ông Vương và mua chiếc xe máy trị giá vài chục nghìn nhân dân tệ. Nhưng khi ông ta nói căn hộ có thể được bán đứt với giá 500.000 nhân dân tệ, Linh không thể cưỡng lại sự cám dỗ, quyết định bán mà không nói với bố mẹ.
Ngày hai bên đến cơ quan quản lý nhà ở để thực hiện giao dịch, Tiểu Linh không mang theo giấy tờ tùy thân nên không thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng. Nhưng lúc này, ông Vương lấy ra ba bản hợp đồng đã chuẩn bị sẵn.
Ba hợp đồng ông Vương yêu cầu Tiểu Linh ký là "Hợp đồng cho vay", "Hợp đồng thế chấp nhà ở Trịnh Châu" và "Hợp đồng mua bán nhà". Trong số đó, "Hợp đồng cho vay" ghi rõ số tiền vay là 520.000 nhân dân tệ, lãi suất hàng tháng là 2% và Tiểu Linh đã tự nguyện thế chấp tài sản cho ông Vương.
Ông Vương nói nếu Tiểu Linh ký những hợp đồng này, cậu sẽ có thể nhận được tiền ngay tại chỗ. Do đó, vào ngày 25/4/2022, sau khi ký ba hợp đồng, ông Vương đã chuyển 350.000 nhân dân tệ cho Linh và đồng ý giao 170.000 nhân dân tệ còn lại sau đó. Chỉ trong vài ngày, nam sinh mua liền hai xe máy, mỗi chiếc có giá 100.000 nhân dân tệ (hơn 330 triệu đồng).
Vài ngày sau, bố mẹ Linh phát hiện con trai lái chiếc mô tô đắt tiền. Bị tra khảo, cậu thú nhận đã bán tài sản đứng tên mình với giá 520.000 nhân dân tệ. Vô cùng tức giận, bố mẹ Linh tìm ông Vương và yêu cầu chấm dứt hợp đồng nhưng không được đồng ý. Ông này cho hay Tiểu Linh đã ký hợp đồng chuyển tài sản này cho bên thứ ba là ông Triệu.
Tháng 6/2022, cha mẹ Tiểu Linh đã kiện cả ông Vương và ông Triệu ra tòa, yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp vay tiền giữa Tiểu Linh và ông Vương và hợp đồng chuyển nhượng giữa Tiểu Linh và ông Triệu.
Hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp lý hay không?
Tháng 9/2022, Tòa án quận Kim Thủy, Trịnh Châu đã xét xử vụ án. Ông Triệu, không xuất hiện tại tòa.
Tòa án xác định, qua ba bản hợp đồng Tiểu Linh đã ký thể hiện cậu đã chuyển nhượng tài sản cho ông Triệu, người cùng làng với ông Vương, theo yêu cầu của ông Vương.
Cha mẹ Linh cho rằng con trai họ đã bị ông Vương lừa bán nhà với giá rẻ. Họ cho rằng mục đích của con trai họ rất rõ ràng, đó là vay tiền ông Vương mua một chiếc xe máy. Nói cách khác, Tiểu Linh đã thế chấp căn hộ cho ông Vương để vay và không có ý định mua bán, vì vậy phải hủy hợp đồng mua bán và trả lại căn hộ.
Họ cho rằng khi việc bán nhà bị bố mẹ phát hiện, ông Vương vẫn còn 170.000 nhân dân tệ chưa trả nốt. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng, ông Vương đã nhiều lần tiếp cận riêng với Linh để gây áp lực buộc cậu phải tiếp tục thực hiện hợp đồng và hợp tác với ông Vương trong việc chuyển nhượng căn hộ cho ông Triệu, bị đơn thứ hai.
Nguyên đơn cho rằng con trai họ mới 18 tuổi, chưa có kinh nghiệm về cuộc đời, chưa biết giá trị căn hộ cũng như quy trình giao dịch bất động sản. Bị đơn Vương biết Tiểu Linh không có khả năng trả nợ nhưng đã dùng khoản vay làm mồi nhử để cậu bán tài sản với giá 520.000 nhân dân tệ. "Hợp đồng như vậy không có giá trị pháp lý ràng buộc", bố mẹ Linh quả quyết.
Tuy nhiên, bị đơn Vương không nghĩ vậy. Ông cho rằng Tiểu Lý đã đủ 18 tuổi, cậu bán tài sản của mình để lấy tiền thì đương nhiên hợp đồng có hiệu lực, "làm sao có thể hủy".
Theo ông, quan hệ pháp luật giữa ông Vương và Tiểu Linh là hợp đồng mua bán nhà, trên thực tế đã thanh toán tiền. "Tiểu Linh có đầy đủ năng lực tự quyết với tài sản của mình", ông nói.
Sau nhiều ngày tranh tụng, Tòa cho rằng thực chất quan hệ giữa Tiểu Linh và ông Vương là quan hệ mua bán nhà, giữa họ không có khoản vay nào vì ông Vương biết rõ một học sinh trung học không thể có khả năng trả nợ.
Tiểu Linh đủ 18 tuổi, đã có thể ký kết hợp đồng dân sự. Hợp đồng mua bán nhà được hai bên ký hoàn toàn là ý định thực sự của cả hai. Ông Vương đã trả cho Tiểu Linh 520.000 nhân dân tệ.
"Chúng tôi đã kiểm tra giá thị trường của căn hộ này, dựa trên các nền tảng định giá của cơ quan chức năng. Tất cả giá giao dịch của ngôi nhà liên quan vụ án từ năm 2021 đến năm 2023, đơn giá cho mỗi mét vuông thấp nhất là 11.000 nhân dân tệ (37 triệu đồng), cao nhất là 18.000 nhân dân tệ (60 triệu đồng). Xét diện tích ngôi nhà trong trường hợp này, tổng giá trị ngôi nhà dao động từ 930.000 nhân dân tệ đến hơn 1,4 triệu nhân dân tệ", bản án nêu.
Sau khi điều tra tài sản, thẩm phán thụ lý vụ án nhận thấy tài sản liên quan đến hợp đồng nằm trên trục đường chính của thành phố Trịnh Châu và có vị trí đắt giá. Giá nhà thỏa thuận trong hợp đồng giữa ông Vương và Tiểu Linh chỉ bằng một nửa giá thị trường thông thường. Hơn nữa, ông Vương từng làm nghề môi giới nhà đất nên rất rõ ràng về giá của khu nhà này.
Chủ tọa đánh giá ông Vương đã thanh toán giá mua tương đối nhanh, trả 350.000 nhân dân tệ vào ngày ký hợp đồng, sau đó thanh toán số dư 170.000 nhân dân tệ. Chuỗi hành động này cho thấy "có sự chuẩn bị sẵn và dự liệu trước được thành công của cuộc mua bán này".
Từ đoạn ghi âm trò chuyện giữa Tiểu Linh và ông Vương có thể thấy rằng Tiểu Linh thực sự có ý định bán nhà để mua xe máy, tòa án cho rằng hợp đồng mua bán nhà giữa nguyên đơn và bị đơn thực chất là sự thể hiện ý chí ban đầu của cả hai bên.
Bản án nêu Tiểu Linh đã nhận được căn nhà từ ông nội, là quà tặng và Linh không biết giá trị của căn nhà đó. Từ góc độ này, tòa nhận thấy "một học sinh trung học và một đại lý môi giới nhà đất, rõ ràng có những đánh giá không đồng đều về giá trị của ngôi nhà này".
Tòa dẫn Điều 151 Bộ luật Dân sự, nếu một bên lợi dụng lúc bên kia đang gặp khó khăn, thiếu khả năng phán đoán... khiến hành vi dân sự khi được xác lập không công bằng thì bên bị thiệt hại có quyền kiến nghị lên Tòa án nhân dân hoặc bị tổ chức trọng tài hủy bỏ.
Tòa án cho rằng tuy bề ngoài hai bên có ký kết hợp đồng giao dịch dân sự nhưng nội dung không vi phạm pháp luật và quy định liên quan. Nhưng nhìn sâu hơn, hai bên trong giao dịch này ở thế bất bình đẳng nên việc giao kết hợp đồng mua bán nhà là không công bằng.
Sau nhiều ngày nghị án, tháng 11/2022, Tòa công bố: Hủy bỏ hợp đồng thế chấp nhà giữa nguyên đơn Tiểu Linh và bị đơn Vương ký ngày 25/4/2022; hủy cả hợp đồng mua bán nhà giữa Tiểu Linh và bị đơn Triệu, ký ngày 1/6/2022.
Tiểu Linh cần trả lại tiền cho ông Vương, còn ông Vương trả lại các giấy tờ nhà đã nhận của Tiểu Linh.
Ông Vương và Triệu đồng loạt kháng cáo song bị Tòa án nhân dân trung cấp Trịnh Châu bác tất cả.
Qua vụ án này, thẩm phán nhắc nhở các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con hình thành quan niệm tốt về tiêu dùng và giá trị, điều này sẽ giúp chúng đưa ra những phán đoán hợp lý khi đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn trong đời.
"Tôi tin rằng khi tặng cho con một khối tài sản lớn, cần phải giải thích tình hình tài sản cho con cái và hướng dẫn con sử dụng và quản lý tốt nó", thẩm phán nêu quan điểm.
Hải Thư(Theo The Paper)