Cô gái 34 tuổi sống tại TP HCM miêu tả những video đầu tiên ra đời giữa năm 2021 như "cứu rỗi linh hồn" bởi được làm những gì bản thân yêu thích.
"Tôi bắt đầu mọi việc với hộp màu nhỏ và vài cây bút. Từ lên ý tưởng,ôgáivẽtranhkểlịchsửViệxsmn thứ 4 kiểm chứng thông tin lịch sử rồi đến vẽ, thu âm rồi quay dựng, mọi công đoạn đều làm một mình", Tiên kể.
Hiện, sau hai năm phát triển, kênh TikTok của cô đã có hơn một triệu lượt theo dõi và hơn 28 triệu lượt yêu thích.
Phạm Thủy Tiên từng làm cho một công ty truyền thông với công việc viết kịch bản, dựng phim, sau khi tốt nghiệp đại học. Thời gian rảnh, cô gái quê Đồng Nai còn thu âm sách nói, kiếm thêm thu nhập.
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP HCM giữa năm 2021, Thủy Tiên trở về quê. Hàng ngày phải tiếp nhận thông tin về số người chết, những ca nhiễm bệnh, trong khi bố cô dù tuổi cao vẫn tham gia chống dịch khiến Tiên lo lắng, mất ăn mất ngủ. Suốt thời gian dài, cô thường xuyên khóc vô cớ, mọi việc đều nghĩ theo hướng tiêu cực. Để kéo bản thân ra khỏi tâm trạng tồi tệ, Tiên tìm đến hội họa.
"Đó là đam mê của tôi thuở nhỏ. Dù bị lãng quên thời gian dài nhưng lúc mệt mỏi nhất tôi lại tìm tới vẽ", cô gái nói.
Hồi bé, vì bị bố mẹ ngăn cấm, cho rằng làm họa sĩ sẽ nghèo nên Tiên thường trốn lên gác xép hoặc chui xuống gầm giường vẽ lên những tờ giấy nháp. Lên cấp ba, vì phải tập trung học để trở thành giáo viên như nguyện vọng của bố mẹ, Tiên bỏ hẳn hội họa. Nhiều năm sau, ở thời điểm tương lai chấp chới bởi dịch bệnh, cô lại tìm tới vẽ để giải tỏa cảm xúc.
Tiên vốn yêu lịch sử, thích xem những bộ phim dã sử hay truyền thuyết dân gian nên muốn dùng tranh kể chuyện. Từ nét vẽ của mình, cô nghĩ ra cách truyền tải bằng video, lồng thêm giọng thuyết minh rồi đăng lên trang cá nhân. Tiên đã biên tập, dựng clip vừa vẽ vừa kể chuyện những nhân vật lịch sử có thật như Đức Thánh Trần, vua Bảo Đại hay truyền thuyết trong văn hóa dân gian như tứ bất tử Việt Nam, bà Chúa Xứ... Cô cũng ưu tiên thực hiện chủ đề liên quan tới thân phận phụ nữ thời phong kiến như Nam Phương hoàng hậu, vũ nữ Cẩm Nhung hay cô Đốc Sao.
Để có tư liệu chính xác, đa dạng thông tin, Thủy Tiên tìm tài liệu từ các nguồn chính thống như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Lĩnh Nam chích quái hoặc gửi thông tin tới những người am hiểu lịch sử chứng thực. Sau khi có cốt truyện, cô biên tập lại theo văn phong của mình. Tiên thường lồng ghép những bài học nhân sinh sâu sắc trong câu chuyện kể ở video. Đây cũng là cách cô giúp người xem gợi nhớ những ký ức tuổi thơ nếu là chuyện dân gian, cổ tích hay học thêm lịch sử nước nhà nếu nhân vật và câu chuyện có thật.
Với nhân vật, cô gái này thường dựa vào những hình ảnh lịch sử còn lưu lại hay tượng thờ để khắc họa chân dung. Ngoài ra cô còn tìm hiểu thêm về họa tiết, màu sắc trang phục từng thời kỳ để phối màu chính xác và đúng bối cảnh lịch sử nhất.
''Như nguyên phi Ỷ Lan hay bà Nguyễn Thị Lộ - vợ lẽ của Nguyễn Trãi, tôi phải hình dung khuôn mặt dựa trên tượng thờ rồi tham khảo thêm sách sử, thời điểm họ sống để hiểu hơn về phục trang thời đó", Tiên nói.
Làm video về nhân vật dân gian Bà Chúa Xứ, cô cũng mất vài ngày nghiên cứu chiếc mấn đội đầu của bà để phác họa chi tiết và đầy đủ nhất.
Trung bình, Tiên mất 5-6 tiếng để hoàn thiện một video, tùy vào độ khó của tranh vẽ cũng như tư liệu về nhân vật lịch sử có nhiều hay ít. Mỗi tuần cô xuất bản 3-4 clip dù thường phải làm vào buổi tối hoặc cuối tuần. Có hôm đến giờ đi ngủ nhưng ý tưởng chợt lóe lên trong đầu, Tiên lại bật dậy, thức đến sáng hoàn thành. Khi bị cuốn vào công việc, cô gái này có thể nhịn ăn cả ngày.
"Được làm việc theo đúng sở thích, tôi chưa bao giờ thấy mệt mỏi", Tiên chia sẻ.
Dù vậy, đã có lần Tiên gặp tai nạn. Hai năm trước, khi nhầm lẫn một chi tiết lịch sử trong clip mình sản xuất, Tiên bị người xem công kích dữ dội.
Trước đây Tiên từng nghe ba đọc về lịch sử Việt Nam qua một bài thơ. Vì quá yêu thích, cô đã vẽ và kể chuyện trong một clip dài hai phút từ thời Hùng Vương cho tới vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn. Cô mất 5 ngày để hoàn thành đầy đủ bức tranh với những vị vua nhiều thời đại trên nền một con rồng lớn. Dù nội dung sau đó đã được gửi cho một người bạn am hiểu lịch sử kiểm chứng, nhưng vì sai sót trong biên tập nên khi xuất bản vẫn gặp phải chỉ trích.
"Tôi đã khóc rất nhiều vì sự cố này bởi chưa chuẩn bị tinh thần cho việc tiếp nhận những ý kiến tiêu cực", Tiên kể lại. Đã có lúc cô đổ lỗi cho mọi người không biết bao dung. Nhưng bình tĩnh lại, Tiên mới hiểu, đã là lịch sử không thể nhầm lẫn. Nhận sai sót, cô biên tập lại bài thơ rồi quay dựng clip với thông tin đã được kiểm chứng.
"Từ bài học này tôi nhận ra, cuộc đời nếu vấp ngã ở đâu thì phải đứng dậy ở đó. Một khi có thái độ tích cực và cầu thị, việc khó cũng trở nên dễ dàng", cô gái nhận định.
Nhiều người trẻ khi xem kênh TikTok của Thủy Tiên đều chung nhận xét, dù dữ liệu lịch sử khô khan nhưng được truyền tải qua nét vẽ và giọng đọc truyền cảm nên dễ nhớ, dễ hiểu hơn.
"Nhờ có Thủy Tiên mà tôi thêm yêu lịch sử Việt Nam", Thanh Hà, một độc giả chia sẻ dưới một video. Trong khi một bạn trẻ khác bình luận: "Biết yêu lịch sử mới biết yêu đất nước".
Không chỉ giới thiệu câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian bằng cách vẽ và kể chuyện độc đáo, Thủy Tiên còn giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn qua kênh cá nhân. Cô từng làm clip kể về ông bố bán chong chóng, một mình nuôi con hay những đứa trẻ mồ côi trong trại trẻ. Những hoàn cảnh này sau đó được nhiều người biết tới và giúp đỡ. Theo Tiên, đây chính là giá trị tinh thần to lớn nhất cô nhận được sau hai năm lập kênh của riêng mình.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân giỏi hơn người khác, chỉ mong mình của ngày hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua để tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng", cô gái chia sẻ.
Hải Hiền