Học kỳ doanh nghiệp,áchtrườngĐHkéosinhviênđếngầnnhàtuyểndụliếm tham gia các cuộc thi...
Chưa hiểu rõ ngành nghề và thiếu cơ hội cọ xát là 2 trong số nhiều nguyên nhân khiến sinh viên mất định hướng tương lai, theo Trần Lý Phương Hoa (sinh viên năm 3, ngành quản trị lữ hành, ĐH Kinh tế TP.HCM). Vì thế, Hoa thấy việc kết nối doanh nghiệp thông qua chương trình học, các cuộc thi, talkshow…do trường tổ chức sẽ giúp sinh viên nắm bắt yêu cầu nghề nghiệp và nhu cầu nhân sự.
Khoảng 2 tháng trước, Hoa tham quan doanh nghiệp theo chương trình học để hiểu cách vận hành của các cơ sở lưu trú du lịch. Hay trong một cuộc thi học thuật về mảng khách sạn-nhà hàng do sinh viên trường tổ chức, Hoa được các chuyên gia hướng dẫn công tác lễ tân, bố trí bàn ăn… "Tham gia nghiêm túc, tiếp thu có chọn lọc thì các hoạt động đều mang lại lợi ích. Tôi đã học được cách nắm bắt tâm lý khách hàng và ứng biến linh hoạt", Hoa chia sẻ.
Năm thứ 3, Phạm Nguyễn Hạ Giang (sinh viên năm cuối, chuyên ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH FPT Đà Nẵng) đã trải nghiệm học kỳ doanh nghiệp, một hoạt động bắt buộc để định hướng chuyên ngành cho kỳ học sau. Dịp này, Giang làm việc như nhân viên thực thụ và học tốt lý thuyết hơn khi trở lại trường.
Bên cạnh đó, Giang tham gia ngày hội việc làm có sự góp mặt của 25 doanh nghiệp và ấn tượng với hoạt động góp ý CV. Nếu CV phù hợp, doanh nghiệp sẽ phỏng vấn sinh viên trực tiếp.
Trong khi đó, Vũ Đình Hoàn (sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh, ĐH Thái Nguyên) tận dụng talkshow có diễn giả doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm làm việc, tuyển chọn nhân sự và lộ trình thăng tiến. Từ đó, Hoàn chủ động đầu tư vào ngoại ngữ và các kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc.
Học kỹ thuật nhưng Bùi Trí Dũng (sinh viên năm 4, khoa Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) luôn tìm cơ hội trau dồi kiến thức về lĩnh vực kinh tế. Chẳng hạn, Dũng tham gia chuyến tham quan công ty do CLB sinh viên tổ chức để xây dựng mối quan hệ, học thêm kỹ năng phân tích báo cáo tài chính, biểu đồ…
Môi trường "học" và "hành" thực tiễn
Theo tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, doanh nghiệp thường đánh giá sinh viên thiếu cọ xát thực tế và kinh nghiệm. Ngược lại, sinh viên thấy doanh nghiệp không cho mình cơ hội trải nghiệm, "được thử và được sai để trưởng thành".
Nhằm giải quyết "mâu thuẫn" trên, ông Hải cho biết trường đẩy mạnh triển khai các mô hình liên kết với mạng lưới đối tác hơn 500 doanh nghiệp, tạo môi trường "học" và "hành" thực tiễn cho sinh viên. Cụ thể, sinh viên có những chuyến tham quan doanh nghiệp trong và ngoài nước; gặp gỡ lãnh đạo, doanh nhân ở các buổi chuyên đề; mở rộng cơ hội thực tập, làm việc sau tốt nghiệp.
Mô hình cố vấn 1 kèm 1
Gắn kết sinh viên và đơn vị tuyển dụng thông qua mô hình cố vấn (mentoring) là cách làm của Trường ĐH Công thương TP.HCM. Sinh viên được hỗ trợ miễn phí bằng hình thức 1 kèm 1 hoặc cố vấn theo nhóm (áp dụng cho nhóm sinh viên khởi nghiệp).
"Hoạt động cố vấn gắn liền trang bị kiến thức, định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Trên nền tảng chia sẻ để cùng phát triển, sinh viên sẽ được dẫn dắt trong 1 năm bởi các doanh nhân, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực", thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Giám đốc trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của trường, cho biết.
ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, Trường ĐH Hoa Sen… cũng áp dụng mô hình mentoring giúp sinh viên "bớt loay hoay" khi định hướng tương lai. Sinh viên còn được trải nghiệm nhiều hoạt động trong khuôn khổ chương trình, từ tham quan doanh nghiệp, chuyến đi thực địa cho đến hội thảo đào tạo kỹ năng.
Những năm gần đây, ĐH Bách khoa Hà Nội đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Điển hình là chương trình liên kết với công ty Samsung Việt Nam trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực…
Theo thông tin từ Viện Đào tạo tiên tiến, chất lượng cao và POHE của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường hiện áp dụng chương trình POHE (giáo dục ĐH theo định hướng ứng dụng) cho 7 ngành đào tạo. Lấy nhu cầu thị trường lao động làm trung tâm, mục tiêu chương trình là nâng cao năng lực nghề nghiệp của sinh viên.
Với mong muốn hỗ trợ sinh viên, bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Phó tổng giám đốc Công ty The Vibes Venue, nhìn nhận: "Các doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng sinh viên và nhà trường trong những hoạt động trải nghiệm, giúp sinh viên 'nâng tầm' kỹ năng và va chạm thực tế. Qua đó, các em sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm và tìm thấy nhiều cơ hội thành công trong tương lai".
Căn cứ điều 12, luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, các trường cần gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường và đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng khóa XI cũng nêu rằng các trường ĐH phải thực hiện liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.
Còn Thông tư 29 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo, gồm xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình học…