Nhất là trong số những trường hợp vi phạm,ềnmóngchotậpquánvănhóamớson ye eun có 160 trường hợp là công chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo… Có cả những trường hợp vi phạm là lãnh đạo công an tỉnh, là thường vụ tỉnh ủy.
Phía sau con số của một chiến dịch 25 ngày có thể là những con số lớn hơn rất nhiều không được phát hiện của 340 ngày còn lại. Thực tế đó nói lên rằng, chúng ta vẫn đang ở trong một nền giao thông thiếu an toàn nghiêm trọng khi mà tình trạng điều khiển phương tiện giao thông trong trạng thái đã có hơi men vẫn rất phổ biến, mặc dù đã gần tròn 4 năm rồi kể từ ngày những quy định nghiêm khắc về kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.
Cuộc chiến với vấn nạn này thật ra không phải diễn ra trên đường phố, ở những chốt kiểm soát nồng độ cồn, mà diễn ra ngay trong tập tính văn hóa và trong nhận thức của nhiều người.
"Trà tam rượu tứ", "chén chị chén anh", "nhậu lai rai" cho vui là một khía cạnh thú vị trong lối sống cộng đồng của người Việt. Tăng cường giao tiếp và gắn kết xã hội, giảm căng thẳng trong cuộc sống có thể xem là những lợi ích của chuyện "nâng chén rượu, cụng ly bia, hét to những lời vui vẻ". Nhưng rồi cũng chính từ những bữa nhậu là chuyện quá chén quá lời gây tai hại đủ điều, là chuyện áp đặt nhau ly bia ly rượu để thể hiện nào là tình cảm, nào là phong độ, nào là sành điệu. Người tửu lượng cao ép nhau uống đã đành, người không uống được rượu bia cũng bị ép, kể cả là phụ nữ.
Và hậu quả, trước hết là sức khỏe. Rồi nữa là tính mạng. Đã có chút hơi men rồi thì dễ hành xử kiểu bất chấp, có can ngăn cũng cứ phóng xe mà đi, mạng sống của mình còn chẳng màng nói gì đến mạng sống người khác. Đến khi gây ra tai họa rồi thì hối chẳng kịp, nhưng bình thường thì vẫn cứ ngụy biện kiểu "uống một chút có sao đâu". Cũng có trường hợp bất đắc dĩ, vì bị ép uống không từ chối được mà lâm cảnh phải liều chạy xe máy để về, vì đơn giản là không có điều kiện để gọi xe taxi mà về.
Chưa kể còn có trường hợp "xưng hùng xưng bá" khi bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Nào là vênh vang "mày có biết bố mày là ai không?", nào là rút điện thoại hù dọa gọi anh này gọi sếp kia. Đến nỗi có nơi CSGT sau khi thổi phạt dừng xe người vi phạm thì cho phép "gọi ai thì gọi đi". Kiểu hành xử "xưng hùng xưng bá" ấy cộng với lối thi hành pháp luật kiểu "sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người" của một bộ phận CSGT như vừa nói đã tạo ra thứ thực trạng không thể lý giải.
Vậy nên, chúng ta phải cùng nhau thay đổi thôi. Bắt đầu từ chuyện ép uống trên bàn nhậu, bắt đầu từ việc vi phạm rồi mà vẫn hiên ngang xưng ông nọ bà kia. Và đặc biệt là bắt đầu từ nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Có vậy may chăng chúng ta mới thiết lập được nền móng cho tập quán văn hóa mới: "Đã uống rượu bia, không lái xe".